Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

Xét nghiệm chuẩn đoán lao phổi

Edit Posted by Unknown with No comments
Để chẩn đoán lao phổi, bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm thông thường như: xét nghiệm đờm, xét nghiệm hình ảnh, phản ứng uberculin, soi phế quản và các xét nghiệm khác.

1. Xét nghiệm đờm

Xét nghiệm đờm trực tiếp tìm trực khuẩn lao BK (+) là biện pháp quan trọng nhất, là cách chẩn đoán chắc chắn nhất lao phổi.

Xét nghiệm đờm có thế dùng phương pháp nhuộm Ziehl Neelsen hoặc phương pháp huỳnh quang dùng ánh sáng cực tím.

Phương pháp nhuộm Ziehl Neelsen phổ biến nhất, rẻ tiền, dễ thực hiện có thể tiến hành ở mọi nơi, mọi chỗ, rất thích hợp với các nước nghèo, các nước đang phát triển.

Phương pháp huỳnh quang chỉ có thể tiến hành ở những nơi có đầy đủ trang bị, kỹ thuật chưa phổ biến ở các nước nghèo, các nước đang phát triển.

Các phương pháp khác chỉ được dùng trong những trường hợp giới hạn, ở những nơi có điều kiện trang bị kỹ thuật khi mà phương pháp xét nghiệm đờm trực tiếp không cho được kết quả đầy đủ: phương pháp nuôi cấy đờm, làm kháng sinh đồ, ngoáy họng, hút dịch dạ dày lấy bệnh phẩm, soi phế quản, sinh thiết thành phế quản v.v...

2. Xét nghiệm hình ảnh (X-quang)

Có một giá trị nhất định trong chẩn đoán lao phổi. Khi kết hợp với xét nghiệm soi đờm trực tiếp và khi soi đờm đã cho kết quả dương tính, chụp X-quang phổi cho biết mức độ, độ rộng của tổn thương phổi.


Một mình X-quang phổi không thể cho chẩn đoán lao một cách chắc chắn.

3. Phản ứng tuberculin

Có giá trị lớn trong đánh giá độ lưu hành bệnh lao trong cộng đồng ở các nước nghèo có độ lưu hành lao cao, phản ứng này ít có giá trị trong chẩn đoán.

Phản ứng tuberculin dương tính mạnh có thể nghĩ đến bệnh lao nhưng chỉ là giá trị gợi ý chấn đoán và phản ứng âm tính cũng không thể loại trừ bệnh lao. Một điểm khác cần chú ý là nếu đã có những bằng chứng rõ ràng khác nghĩ đến bệnh lao (tìm thấy trực khuẩn lao khi soi đờm trực tiếp, hình ảnh tổn thương phổi trên phim X-quang nghĩ đến lao....) thì phản ứng tuberculin âm tính cũng không loại trừ được bệnh lao.

Ở trẻ em ngược lại so với ở người lớn phản ứng tuberculin dương tính rất có giá trị trong chẩn đoán bệnh lao.

4. Soi phế quản

- 28% lao sơ nhiễm có biến đổi ở khí quản như niêm mạc phù nề, dò hạch phế quản (lỗ dò đôi khi sùi), chít hẹp phế quản do hạch chèn ép, chèn ép khí phế quản.

- Khí phế thũng tắc nghẽn ở thuỳ dưới do hạch sưng to chèn ép hoặc do lao phế quản, đôi khi biểu hiện khí phế thũng trước khi xẹp phổi.

5. Các xét nghiệm khác

- Khám đáy mắt, tai mũi họng (nnéu có hạch cổ sưng to), chọc dịch não tuỷ để đánh giá sự lan tràn của nhiễm trùng lao, xác định thể bệnh, mức độ của lao sơ nhiễm.

- Xét nghiệm máu: bạch cầu đa nhân trung tính tăng. Tốc độ máu lắng tăng..



- Nuôi cấy bệnh phẩm.

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2016

Điều trị bệnh lao ở phụ nữ mang thai như thế nào để hiệu quả?

Edit Posted by Unknown with No comments
Phụ nữ mắc bệnh lao vẫn có thể mang thai và sinh con bình thường bởi vì bệnh lao không phải là bệnh di truyền. Tuy nhiên, trong quá trình mang thai và sau khi sinh phụ nữ mắc bệnh lao cần phải được chăm sóc kỹ càng hơn. Bài viết chia sẻ cách điều trị lao ở phụ nữ mang thai.

Hướng dẫn điều trị lao ở phụ nữ mang thai

Chú ý biểu hiện và thăm khám sớm, kịp thời

Bệnh lao dễ bị bỏ qua hoặc phát hiện muộn. Tình trạng thai nghén đã tạo điều kiện cho tổn thương lao dễ phát sinh và phát triển. Những tổn thương đã ổn định có thể tái triển trở lại.

Bệnh lao hay gặp trong thời gian 3 tháng đầu và sau khi sinh con hơn là ở các tháng khác của thời kỳ thai nghén. ở thời gian 3 tháng đầu, triệu chứng của bệnh lao dễ lẫn với dấu hiệu có thai như; chán ăn, mệt mỏi… Vì vậy người phụ nữ ít chú ý và không đi khám bệnh.


Tuy nhiên ngoài triệu chứng kể trên, thì bệnh lao còn có những triệu chứng khác với dấu hiệu thai nghén đó là người bệnh có sốt nhẹ về chiều, nhiệt độ thường chỉ 370 – 380c, hay có triệu chứng kèm theo về hô hấp như ho khạc đờm, đau tức ngực. Nếu người phụ nữ có các triệu chứng trên đây, ở bất cứ thời gian nào khi có thai, thì cần đi khám để xác định xem có bị bệnh lao hay không.

Chăm sóc sức khoẻ

Sau khi sinh con, sản phụ cũng có thể mắc các thể lao nặng như lao kê, lao màng não. Các thể lao nặng này có triệu chứng hay gặp như sốt cao kéo dài. Triệu chứng này dễ nhầm với sốt sót rau hoặc sốt hậu sản.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, những trường hợp sốt cao kéo dài ở phụ nữ sau đẻ, khi chụp phim phổi đã phát hiện nhiều trường hợp có tổn thương lao kê. Vì vậy những sản phụ sau đẻ, nếu sốt kéo dài cần phải được chụp phim phổi kiểm tra để phát hiện tổn thương phổi. Cũng cần lưu ý là những nốt lao kê nhỏ nếu chỉ chiếu X quang phổi thì rất khó phát hiện.

Cần điều trị lao ở phụ nữ mang thai như thế nào?


Kết quả điều trị lao ở phụ nữ mang thai cũng tốt như ở những bệnh nhân lao khác, điều quan trọng là cần đến các cơ sở y tế để phát hiện sớm và điều trị kịp thời theo chỉ dẫn của bác sỹ chuyên khoa, cần nghiêm ngặt thực hiện đúng phác đồ điều trị lao không bỏ dở điều trị vì như vậy không những không khỏi mà vi khuẩn lao kháng thuốc sẽ có nguy hại hơn cho cả mẹ và con.

Sau khi sinh con, người mẹ cần được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ chất để phục hồi sức khoẻ, cho trẻ bú sữa mẹ bình thường. Việc tiêm phòng vắc –xin BCG cho trẻ là bắt buộc. Cũng không nhất thiết phải cách ly mẹ và con, trừ lúc mới sinh con mà người mẹ vẫn còn vi khuẩn lao ở trong đờm.

Trên đây là cách điều trị lao ở phụ nữ mang thai hy vọng những kiến thức này sẽ giúp ích trong quá trình điều trị và chăm sóc phụ nữ mang thai.

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Bị lao phổi thì nên ăn gì cho nhanh khỏi

Edit Posted by Unknown with No comments
Nhiều người vẫn nghĩ khi mắc bệnh lao chỉ cần uống thuốc đúng chỉ định sẽ phục hồi bệnh, thực tế thuốc chỉ giúp tiêu diệt vi khuẩn. Muốn nhanh hồi phục phải kết hợp với chế độ ăn uống điều độ, đủ dinh dưỡng đồng thời nghỉ ngơi hợp lý.

Người có hệ miễn nhiễm kém, tiểu đường, bệnh bụi phổi, bệnh nhân đang dùng thuốc steroids, thuốc chữa thấp khớp, xạ trị... tuổi già, nghiện rượu hay ma túy, suy dinh dưỡng, thiếu săn sóc y tế, sống hay làm việc ở những nơi đông người, không thoáng... sẽ dễ bị mắc lao.


Sốt là triệu chứng hay gặp ở người lao phổi. Sốt có thể ở nhiều dạng: sốt cao, sốt thất thường nhưng hay gặp nhất là sốt nhẹ hay gai lạnh về chiều, gầy, sút cân, ra mồ hôi trộm, chán ăn, mệt mỏi... ho, khạc đờm hoặc ho ra máu. Ho ra máu là triệu chứng có thể gặp ở 60% những người lao phổi. Các triệu chứng khác là: đau ngực, khó thở, có tiếng rên khu trú ở một vùng của phổi…

Nguyên tắc dinh dưỡng

Sức đề kháng và khả năng miễn dịch của người bị bệnh lao thường rất yếu. Hơn nữa, người bị bệnh lao dễ bị chán ăn, giảm hấp thu chất dinh dưỡng (kể cả các vi chất). Quá trình chuyển hóa cũng bị thay đổi theo chiều hướng tăng tiêu hao năng lượng và các chất dinh dưỡng dẫn đến sụt cân và thiếu dưỡng chất. Do đó, cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân sẽ làm tăng hiệu quả điều trị bệnh lao, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục.

Đối với người bị bệnh lao thì năng lượng nạp vào tùy theo thể trạng. Nếu gầy phải ăn nhiều để đạt chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) trên 18,5. Nếu thể trạng bình thường thì năng lượng nạp vào không thay đổi. Điều quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của bệnh là phải đủ 4 nhóm thực phẩm: đường, đạm, dầu mỡ vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, cần ưu tiên lượng đường từ quả chín để tốt cho gan thải độc do tác dụng phụ của thuốc.

Các vitamin và khoáng chất nào cần ưu tiên?

Kẽm: Do cơ chế hoạt động của các loại thuốc điều trị lao đã gây nên tình trạng thiếu hụt kẽm ở người bệnh dẫn đến chán ăn, suy giảm hệ miễn dịch. Người bệnh nên chọn thực phẩm giàu kẽm như: sò, hến, con hàu, cùi dừa già, đậu Hà Lan, đậu tương, củ cải, lòng đỏ trứng gà, thịt lợn nạc…

Vitamin A, E, C: Đây là những chất quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ niêm mạc, giúp da khỏe mạnh, tránh nguy cơ bị nhiễm khuẩn, chống ôxy hóa những người bị bệnh lao lại dễ bị thiếu hụt. Có thể uống bổ sung ở dạng dược phẩm theo chỉ định của bác sĩ  hoặc ưu tiên chọn thực phẩm giàu các vitamin này như: rau tươi có màu xanh đậm, quả chín có màu vàng đỏ như cam, xoài, đu đủ, cà chua, cà rốt chứa nhiều vitamin A, C; gan súc vật và gia cầm, thịt đỏ như thịt lợn nạc, thịt bò, cá biển… đều chứa nhiều vitamin D.

Sắt: Nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt ở người bệnh lao rất cao làm giảm sức đề kháng, dẫn đến dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, tim mạch… Cần ăn những thực phẩm giàu sắt như: mộc nhĩ, nấm hương, đậu nành, lòng đỏ trứng, thịt bò, thịt nạc, gan…

Vitamin K, B6: Do người bệnh hấp thu kém, dễ gặp rối loạn tiêu hóa nên khả năng tổng hợp vitamin K giảm, gây trở ngại quá trình đông máu. Các vitamin này có nhiều trong thực phẩm như: gan, các loại rau màu xanh đậm. Dùng thuốc điều trị lao thường phải dùng kéo dài (vài tháng) theo phác đồ chống lao, các thuốc này lại làm giảm khả năng hấp thụ vitamin B6 dễ gây viêm dây thần kinh ngoại biên, giảm miễn dịch do vậy ngoài uống vitamin B6 dạng dược phẩm bổ sung, người bệnh nên ăn thực phẩm chứa nhiều vitamin này như: thịt lợn nạc, thịt gà, đậu, đỗ các loại, khoai tây, chuối, súp lơ, ngũ cốc nguyên hạt…

Cần đa dạng món ăn: Do thể trạng yếu và tác dụng phụ của thuốc nên người bệnh dễ chán ăn, đòi hỏi phải đa dạng món ăn. Chọn những món người bệnh thích nhưng phải thường xuyên thay đổi để tạo sự kích thích. Nên chia nhỏ bữa ăn hằng ngày để người bệnh hấp thu tốt và đầy đủ hơn các chất dinh dưỡng cần thiết.

Những gì phải kiêng? Người bệnh tuyệt đối không được dùng các loại chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá vì những chất này làm giảm tác dụng điều trị và tăng tác dụng phụ của thuốc.

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Xét nghiệm dùng trong chuẩn đoán bệnh lao phổi

Edit Posted by Unknown with No comments
Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, lao là bệnh truyền nhiễm phổ biến ở Việt Nam. Theo thống kê, có khoảng 1/3 dân số thế giới bị nhiễm vi trùng lao. Tuy nhiên, phần lớn là không có biểu hiện triệu chứng của bệnh.

Mỗi năm, lao cướp đi gần 3 triệu người trên thế giới. Đa số các ca tử vong này xảy ra tại các nước đang phát triển. Trên toàn thế giới, lao là bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong đứng thứ 2, chỉ sau HIV. Tuy vậy, phần lớn những BN HIV đều bị nhiễm lao, do hệ miễn dịch suy yếu là điều kiện thuận lơi cho vi khuẩn lao.


Với mức độ nguy hiểm của bệnh, không chỉ cho bản thân người bệnh mà cho cả xã hội thì việc phát hiện và chẩn đoán bệnh kịp thời là điều rất cần thiết. Dưới đây là những xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định và phân biệt lao phổi với những bệnh lý ở phổi khác.

Nhuộm soi đờm trực tiếp

Kỹ thuật nhuộm soi đờm trực tiếp tìm vi khuẩn lao là phương pháp chẩn đoán chắc chắn nhất. Thông thường nhuộm theo phương pháp Ziehl – Neelsen hoặc phương pháp huỳnh quang với ánh sáng cực tím.

Cần làm AFB nhiều lần, ít nhất 3 lần trong 3 buổi sáng liên tiếp. Nếu bệnh nhân không khạc được đờm thì cho bệnh nhân dùng nước muối 5% ưu trương để lấy bệnh phẩm.

Nuôi cấy đờm

Làm tăng kết quả dương tính nhưng nếu nuôi cấy bằng phương pháp cổ điển phải mất 4 – 8 tuần mới có kết quả. Ngày nay, người ta tiến hành nuôi cấy vi khuẩn lao bằng phương pháp MGIT Bactec cho kết quả nhanh sau 1-2 tuần. Với những trường hợp bệnh nhẹ, ít trực khuẩn, soi trực tiếp có thể cho kết quả âm tính nhưng nuôi cấy đờm sẽ cho kết quả dương tính. Trong khi chờ đợi kết quả nuôi cấy cần quyết định việc điều trị căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và phim X quang.

Kháng sinh đồ

Để theo dõi tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng và góp phần điều chỉnh thuốc cho bệnh nhân.

Ngoáy họng

Đối với bệnh nhân không khạc được đờm, có thể ngoáy họng bệnh nhân ở vị trí gốc lưỡi hướng về khí quản bằng một que bông vô khuẩn. Bệnh nhân ho sẽ làm dính một ít dịch vào miếng bông ở đầu que ngoáy. Đặt que vào lọ vô trùng, gửi phòng xét nghiệm nuôi cấy.

Hút dịch dạ dày chẩn đoán

Nếu bệnh nhân là trẻ em hoặc người già không khạc đờm có thể lấy bệnh phẩm từ dịch dạ dày buổi sáng.

Soi phế quản

Lấy dịch phế quản xét nghiệm tìm trực khuẩn lao, xét nghiệm PCR - BK, nuôi cấy vi khuẩn lao.

Sinh thiết phổi

Thấy tổn thương lao hoặc vi khuẩn lao trong bệnh phẩm sinh thiết.

Chụp Xquang phổi 


Các hình ảnh Xquang phổi nghi ngờ lao phổi:

- Đám mờ không đồng đều ở vùng đỉnh hoặc vùng dưới xương đòn hai phổi (một hoặc hai bên).

- Hình hang: Có thể một hoặc nhiều hang (lao hang).

- Những nốt, chấm mờ nhỏ như hạt kê, đường kính 1mm lan toả cả hai phổi (lao kê).

- Bóng mờ đặc tròn hoặc bầu dục ở góc ngoài hạ đòn hoặc hạ phân thuỳ 6 (thâm nhiễm Assman).

- Những bóng mờ ở rốn phổi và trung thất do hạch lympho sưng to.

- Có một vài nốt hoặc nhiều nốt to nhỏ khác nhau đường kính 3 – 10mm đậm độ không đều, thường gặp ở hạ đòn và đỉnh phổi một hoặc hai bên (lao nốt).

- Đám mờ hình thuỳ phổi (tam giác) có thể ở bất kỳ vị trí nào nhưng thông thường thấy ở thuỳ trên và thuỳ giữa.

Phản ứng Tuberculin

Loại phản ứng Tuberculin được dùng phổ biến là Mantoux.

Phản ứng Mantoux: tiêm 0,1mL dùng dịch có 10 đơn vị PPD vào trong da mặt trước cẳng tay tạo nên cục sần trên da từ 5 - 6mm đường kính. Đọc kết quả sau 72 giờ. Nếu phản ứng dương tính sẽ thấy một vùng "mẩn đỏ" và một cục cứng ở da. Đo đường kính cục theo chiều ngang cánh tay, phần quầng đỏ xung quanh không quan trọng. Phản ứng dương tính khi đường kính cục phản ứng > 10mm, âm tính < 5mm; không có ý nghĩa từ 5 – 9mm.

Nếu đã có những bằng chứng rõ ràng mắc bệnh lao thì phản ứng Tuberculin âm tính cũng sẽ không loại trừ được bệnh lao.

Nếu phản ứng Tuberculin dương tính mạnh giúp hướng tới chẩn đoán lao phổi nếu bệnh nhân có tổn thương Xquang nhưng BK đờm âm tính hoặc chẩn đoán lao tiềm ẩn nếu không rõ tổn thương trên X quang.

Xét nghiệm máu

Bệnh nhân có thể có thiếu máu nhẹ.

Số lượng bạch cầu thường không thay đổi hoặc hơi thấp hơn bình thường.

Tốc độ máu lắng có thể tăng, khi tốc độ máu lắng bình thường cũng không loại trừ.

Các phương pháp gián tiếp

Như dùng các kỹ thuật sinh hoá miễn dịch (ELISA), PCR để phát hiện những kháng nguyên hoặc những kháng thể của vi khuẩn lao trong huyết thanh hoặc dịch tiết của bệnh nhân cũng đang được áp dụng rộng rãi, giúp cho việc chẩn đoán ngày càng nhanh chóng và hiệu quả.

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Nguyên tắc vàng trong điều trị lao: Đúng- đủ- đều- phòng

Edit Posted by Unknown with No comments
Bệnh lao trước đây được coi là một trong những tứ chứng nan y, nhưng vào ngày 24-3-1882 Robert Koch, bác sĩ người Đức đã tìm ra trực khuẩn gây bệnh lao cho người, mở đầu cho cuộc chiến chống lại căn bệnh đã một thời gây nên đại dịch cho nhân loại.

Theo số liệu ước tính chính thức của WTO hiện nay trên thế giới có khoảng 1,9 tỷ người đã nhiễm lao, 16 triệu người mắc lao, mỗi năm có thêm 8-9 triệu người mắc lao mới và khoảng 3 triệu người chết vì lao. Tại Việt nam mỗi năm có chừng 145.000 người mắc bệnh, trong đó chừng 65.000 người lao phổi khạc ra vi khuẩn lao. Số người chết do lao ước chừng 20.000 người một năm.

* Tiến trình bệnh lao:

- Giai đoạn nhiễm lao: Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp gây tổn thương phế nang. Tuy nhiên chưa hình thành dạng lao bệnh.

- Giai đoạn lao bệnh: Đa số người bị bệnh chỉ ở tình trạng nhiễm lao (80-90%) không chuyển sang giai đoạn lao bệnh, trường hợp tiến triển thành lao bệnh được gọi là lao thứ phát (10-20%). Lao bệnh chỉ xảy ra khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm, số lượng và độc tính của vi khuẩn tăng và đặc biệt ở những người trong nhóm nguy cơ cao như bị các bệnh phổi mạn tính, các bệnh toàn thân: Đái tháo đường, loét dạ dày tá tràng, nghiện rượu, nghiện ma túy, HIV dương tính…sẽ hình thành lao thứ phát.

* Triệu chứng lâm sàng chung

Khi có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây, bạn hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kịp thời phát hiện bệnh:



- Ho và khạc đờm kéo dài trên 2 tuần

- Ho ra máu

- Đau ngực, khó thở

- Sốt nhẹ về chiều và vã mồi hôi trộm

- Sút cân,  mệt mỏi, kém ăn

* Nguyên tắc vàng điều trị bệnh lao:

Trong quá trình điều trị người bệnh cần thực hiện nguyên tắc đúng - đủ - đều - phòng (đúng phác đồ; đủ thuốc, đủ thời gian; đều đặn hàng ngày; phòng ngừa tái phát ).

Nguyên tắc đúng- đủ- đều chỉ là điều kiện cần:  

Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, đủ thời gian. Thuốc điều trị bệnh lao được cấp miễn phí. Người bệnh không được tự ý bỏ điều trị vì như vậy vi khuẩn lao càng có cơ hội phát triển thêm hơn nữa còn sinh lao kháng thuốc. Điều trị lao đã khó, điều trị lao kháng thuốc còn khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Chương trình chống lao Việt Nam quy định 5 loại thuốc chống lao thiết yếu đó chính là: Isoniazid (H), Rifampicin (R), Pyrazinamid (Z), Streptomycin (S) và Ethambutol (E). Bệnh nhân cần tuân thủ điều trị theo phác đồ chống lao quốc gia và sử dụng các loại thuốc này theo đúng liều dùng mới mong mang lại kết quả như mong muốn.



Tuy nhiên, việc điều trị theo phác đồ của chương trình chống lao quốc gia, bệnh nhân phải đối mặt với rất nhiều tác dụng phụ của thuốc trong quá trình điều trị: Men gan tăng, chán ăn, cơ thể suy nhược, gầy gò, suy giảm chức năng miễn dịch... Sức khỏe bệnh nhân đóng vai trò tối quan trọng trong qúa trình điều trị bệnh lao. Một khi cơ thể suy giảm hệ miễn dịch thì đó là cơ hội để vi khuẩn lao hình thành và phát tán rộng thêm nữa.  Vậy nên đúng đủ đều chỉ là điều kiện cần trong điều trị dứt điểm bệnh lao.  

Nguyên tắc phòng là điều kiện đủ

Điều trị dứt điểm bệnh lao là mong muốn của bệnh nhân và hơn thế nữa là người nhà của bệnh nhân. Nhưng việc bệnh nhân có thể kiên trì tuân thủ đúng đủ đều pháp đồ điều trị bệnh lao hay không phụ thuốc lớn vào thể trạng và niềm tin người bệnh. Bệnh nhân cần có một tâm lý vững vàng hơn nữa là một chế độ dinh dưỡng hợp lý để có thể chống chọi với rất nhiều tác dụng phụ của thuốc chống lao



Do đó, việc làm giảm tác dụng phụ của thuốc điều trị lao đồng thời ức chế được khuẩn lao là điều mà bệnh nhân lao và người nhà bệnh nhân lao cần đặc biệt quan tâm.  

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

Nhận biết triệu chứng và điều trị bệnh lao phổi

Edit Posted by Unknown with No comments
Bệnh lao phổi thường gặp ở những người có thu nhập không ổn định, gia đình đông con cái,...Bài viết chia sẻ cách nhận biết các triệu chứng và phương pháp điều trị bệnh lao phổi.

Các yếu tố nguy cơ

     Có khoảng 5 - 10% trường hợp lao sơ nhiễm trở thành lao thực sự, phụ thuộc vào một loạt các yếu tố nguy cơ như: bệnh bụi phổi, đái tháo đường, cắt dạ dày, nối tắt ruột, ghép tạng, ung thư, dùng kim chung ở người nghiện, điều trị corticosteroid kéo dài, bệnh bạch cầu, Hodgkin, suy dinh dưỡng, nghiện rượu, nhiễm HIV/AIDS, suy thận mạn, là nhân viên y tế, điều kiện kinh tế-xã hội thấp, sống chật chội, vô gia cư…

Tác nhân gây bệnh

     Tác nhân chính là Mycobacterium tuberculosis (MT, quen gọi là vi khuẩn Koch hay BK, mang tên nhà vi khuẩn học người Đức Robert Koch). Ngoài ra còn có các Mycobacterium khác cũng gây ra bệnh lao như: M. bovis (vi khuẩn lao ở bò trước đây cũng hay gặp gây ra bệnh lao ở người, nay đã bị loại trừ ở các nước phát triển nhờ tiệt khuẩn sữa bằng phương pháp Pasteur), M. africanum (không phân bố rộng nhưng là nguyên nhân quan trọng của lao ở nhiều vùng châu Phi). 


     BK là một vi khuẩn nhỏ, không di chuyển, hiếu khí. Vỏ mỡ của nó bắt màu đỏ của một bazơ là carbol-fuchsin và không bị phai màu khi rửa với acid loãng, do đó BK là một vi khuẩn bền màu với acid. Nhuộm Ziehl-Neelsen, BK có màu đỏ sáng nhìn rõ trên nền xanh lục.

Quá trình gây bệnh

     Phần lớn BK hít vào phổi sẽ bị loại trừ bởi cơ chế bảo vệ của đường hô hấp trên. Chỉ các mảnh nhỏ có đường kính < 5mm là qua được các phế quản tận để vào các phế nang, tại đó chúng xâm nhập và nhân đôi trong các đại thực bào phế nang. 
     Tổn thương nhiễm đầu tiên ở phổi - lao sơ nhiễm - được gọi là ổ Ghon (mang tên nhà giải phẫu bệnh Anton Ghon người Áo, 1866 - 1936), là một nốt nhỏ dạng viêm hạt và khi to lên hay khi bị canxi-hóa thì có thể thấy được trên phim X-quang phổi. Trẻ bị lao sơ nhiễm có thể có các biểu hiện như gầy yếu, xuống cân, sốt nhẹ… nhưng thường là không có triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm đàm tìm BK âm tính, phản ứng da với lao tố chuyển dương, và không có khả năng lây bệnh cho người khác. 
      Vị trí kinh điển của lao sơ nhiễm là quanh các khe giữa các thùy phổi. Thường đi kèm phì đại các hạch vùng trung thất, khi đó ta có một phức hợp Ghon hay phức hợp lao sơ nhiễm.
     Lao sơ nhiễm thường sẽ khỏi, nhưng ở một số người nhất là những người bị suy giảm miễn dịch thì có thể phát triển thành lao kê, đó là những hạt trắng nhỏ gặp tại khắp các mô của cơ thể, bệnh hết sức nặng có thể tử vong đến 100% nếu không được điều trị. 
     Chỉ có khoảng 10% lao sơ nhiễm là tiến triển thành lao hoạt động. Khi đó vi trùng lao lan theo đường máu đi tới các mô và các tạng khác của cơ thể tạo ra các thương tổn lao thứ cấp: ở các vị trí khác của phổi (chiếm đa số, thường gặp tại các đỉnh phổi) hay ngoài phổi.

Triệu chứng lao phổi

     Các triệu chứng kinh điển bao gồm: ho kéo dài với đàm có lẫn máu, sốt, ra mồ hôi về đêm, sụt cân. Chẩn đoán dựa vào chụp X-quang phổi, thử phản ứng da với lao tố, thử máu, tìm và nuôi cấy vi khuẩn ở đàm, mủ và các dịch của cơ thể.
     Các hình ảnh X-quang của lao phổi hoạt động có thể gặp: 
1. Thâm nhiễm là những nốt mờ ở một phân thùy, đôi khi cả một thùy phổi, thường khu trú ở các đỉnh phổi; 
2. Tổn thương hang; 
3. Dạng nốt với bờ không rõ của lao; 
4. Tràn dịch màng phổi; 
5. Phì đại các hạch rốn phổi ở một hay hai bên; 
6. Lao kê với các hạt đường kính 1 - 2mm ở khắp các mô của cơ thể.

Chẩn đoán lao phổi

     Chẩn đoán lao phổi thường dựa vào 3 yếu tố:
- Nguồn lây: rất quan trọng đối với trẻ em, người lớn ít hơn.
- Lâm sàng: hội chứng nhiễm lao thường có khuynh hướng kéo dài vì bản chất của lao là mạn tính.
- Cận lâm sàng:
+ Thử đàm tìm vi khuẩn lao: đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán lao, nhưng thường âm tính, tùy theo giai đoạn tiến triển của bệnh lao, hoặc đôi khi bệnh nhân đã vô tình sử dụng các thuốc ảnh hưởng lên vi khuẩn lao nên việc tìm BK ở đàm là rất khó. Một vấn đề lớn nữa trong chẩn đoán lao là khó khăn trong việc nuôi cấy loại vi khuẩn mọc chậm này ở phòng thí nghiệm (4 - 12 tuần cho cấy máu hay cấy mủ).
+ Khi đó chẩn đoán có thể dựa vào chụp X-quang phổi và thử phản ứng da với lao tố, tuy nhiên nhiều trường hợp vẫn không thể kết luận một cách chắc chắn.
+ Phản ứng khuếch đại gen: nhanh, nhạy và đặc hiệu để phát hiện DNA của BK, trong trường hợp không tìm thấy BK ở các mẫu đàm.

Điều trị lao phổi

     Những năm gần đây nổi lên vấn đề lao kháng nhiều thuốc. Có thể là: kháng thuốc tự nhiên, hoặc kháng thuốc ở những bệnh nhân đã được điều trị trước đó hay chưa được điều trị. Vấn đề này rất nguy hiểm, làm cho việc chữa khỏi bệnh lao trở nên hết sức khó khăn.
     Có 2 quan điểm trong điều trị bệnh lao phổi:
- Đối với thầy thuốc chuyên khoa lao: các trường hợp lao phổi BK dương tính, bệnh nhân được quản lý và điều trị theo chương trình chống lao; còn các trường hợp BK âm tính thì quản lý và điều trị theo một tỉ lệ quy định bởi chương trình chống lao.
- Đối với thầy thuốc không phải chuyên khoa lao: điều trị cho từng trường hợp lâm sàng, nếu có đủ các yếu tố chẩn đoán lao phổi (bao gồm nguồn lây, bệnh kéo dài, tổn thương X-quang phù hợp với lao phổi) thì việc điều trị phải tuân thủ chương trình chống lao chung.
     Phòng bệnh dựa vào các chương trình tầm soát và tiêm chủng:
- Tiêm chủng với vắc-xin BCG là chủ yếu.
- Lây truyền bệnh lao chỉ xảy ra từ người mắc bệnh lao hoạt động. Có thể ngăn chặn lây bệnh bằng cách ly những người này và bắt đầu điều trị lao hiệu quả (sau 2 tuần, người bị lao hoạt động nói chung nếu không kháng thuốc sẽ hết khả năng lây nhiễm).

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Bệnh lao - Hiểm hoạ từ những thói quen hàng ngày

Edit Posted by Unknown with No comments
       Ít ai biết được rằng những thói quen tưởng như vô hại ngày thường lại là nguyên nhân có thể dẫn bạn đến rất nhiều nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm, trong đó có lao phổi. Một căn bệnh với mức độ lây lan vô cùng nhanh chóng và nguy hiểm. 

Lao phổi là gì?

       Lao là một trong số những bệnh thường gặp nhất ở Việt Nam. Lao là một bệnh truyền nhiễm được gây ra bởi một loại vi trùng có tên gọi là Mycobacterium tuberculosis. Bệnh này giết hơn hai triệu người mỗi năm trên toàn thế giới, phần lớn ở các nước đang phát triển.
Mycobacterium tuberculosis
       Theo ước tính, có 1/3 dân số thế giới bị nhiễm vi trùng lao. Tuy nhiên, hầu hết không có triệu chứng của bệnh. Ở những người này, vi trùng ở dạng không hoạt động và người đã bị nhiễm lao trong giai đoạn bất hoạt này không lây bệnh sang người khác. Khi hệ thống miễn nhiễm của cơ thể bị yếu đi, vi trùng lao sẽ “vùng dậy”, tái hoạt và gây ra bệnh. Dấu hiệu nhận biết dễ thấy nhất là ho, ho ra máu, mệt mỏi, khó thở, chán ăn, sút cân không rõ nguyên nhân. Trên phạm vi toàn thế giới, lao là bệnh truyền nhiễm gây chết đứng hàng thứ hai, chỉ sau HIV. 

Hiểm họa lao từ những thói quen hằng ngày

1. Không có thói quen đeo khẩu trang, bảo hộ lao động
      Môi trường sống của con người đang ngày càng bị ô nhiễm, tuy nhiên rất nhiều người chủ quan, thờ ơ với sức khỏe của chính mình. Khói bụi, chất thải, rác rưởi…tất cả các “kí sinh” này đều có ở khắp mọi nơi xung quanh con người. Vì vậy việc tiếp xúc và hít phải những chất độc lại chính là điều khiến lao dễ xâm nhập vào cơ thể. 
Thường xuyên đeo khẩu trang sẽ bảo vệ bạn tốt hơn
      Điều đáng quan tâm ở đây là ngày càng ít người để ý đến việc bảo vệ sức khỏe cho gia đình và những người xung quanh, không sử dụng khẩu trang khi ra đường, không sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại…chính là những nguyên nhân trực tiếp khiến lao phổi gõ cửa gia đình bạn nhanh hơn.
2. Làm việc quá sức
     Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh khi lao động quá sức sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến cơ thể của chúng ta bị giảm sức đề kháng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để vi trùng lao tấn công. 
3. Uống rượu
     Rượu là chất kích thích có hại cho sức khỏe, trong rượu có chứa rất nhiều cồn, khi uống nhiều rượu sẽ làm giảm hệ miễn dịch của cơ thể, tương tự như các yếu tố khác sẽ tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho trực khuẩn lao bùng phát và hoành hành.  Đặc biệt là những ai đã và đang điều trị bệnh lao cần tuyệt đối không sử dụng rượu bia, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. 
Uống rươu bia nhiều cũng là nguyên nhân khiến bạn mắc bệnh lao 
5. Thức khuya, mất ngủ
     Thức khuya, mất ngủ là nguyên nhân khiến cơ thể của bạn bị suy nhược, tinh thần sa sút. Với những người có tiền sử mất ngủ cần nghĩ ngay đến phương pháp ngăn ngừa khả năng suy giảm sức đề kháng. Bởi mất ngủ là nguyên nhân khiến tình trạng mệt mỏi, dẫn tới kém ăn lâu dần sẽ dẫn đến suy nhược, sút cân…ảnh hưởng lớn đến đời sống của người bệnh.
4. Hút thuốc lá, lào
     Thuốc lá, thuốc lào có chất độc tương tự như nhau, trong thuốc lá có hơn 40.000 chất độc, nhất là nicotin. Đối với cơ thể người lớn khỏe mạnh chỉ cần 50mg nicotin có thể cướp đi sinh mạng, trong mỗi điếu thuốc có tới 25mg nicotin dù cơ thể chỉ hấp thu 1 phần nhưng cũng đủ để thấy sự độc hại của thuốc lá. Ngoài ra còn một số các chất độc gây ung thư khác vô cùng nguy hiểm với sức khỏe. 
Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ của bạn và người thân
     Với những người thường xuyên hút thuốc lá, lào sẽ làm tăng nguy cơ lao phổi lên đến hơn 80 %. Đặc biệt là những bệnh nhân đã và đang điều trị bệnh lao phổi cần tuyệt đối tránh xa các chất này. 

Làm gì để đối phó ?

     Tất nhiên, việc lên một kế hoạch, chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ là điều cần thiết nhất giúp cải thiện sức khỏe của bạn. Tốt nhất chúng ta nên tránh xa các thực phẩm, đồ uống, chất kích thích như: Rượu, thuốc lá, cafe…để giữ một sức khỏe ổn định. Tránh những ảnh hưởng tiêu cực của nó mang lại. Bên cạnh đó, nên ăn nhiều rau xanh, các chất nhiều dinh dưỡng để tăng sức đề kháng của cơ thể.         Bảo vệ cơ thể bởi các tác động tiêu cực từ môi trường như ô nhiễm, bụi bận, rác thải…
     Tập thể dục thường xuyên cũng được xem là giải pháp vàng cho sức khỏe con người. Theo tính toán của các nhà khoa học, tập thể dục sẽ mang lại sự dẻo dai, tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, nên hạn chế đến nơi đông người, nếu thương xuyên phải tiếp xúc với môi trường đông người nên thực hiện các biện pháp bảo vệ, tránh lây lan bệnh qua đương hô hấp. 

Tìm hiểu chung về bệnh lao phổi

Edit Posted by Unknown with No comments
       Bệnh lao phổi là nguyên nhân chính gây  tử vong trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Phi và châu Á. Căn bệnh này mỗi năm giết chết gần 2 triệu người. Bệnh cũng là phổ biến ở những người nhiễm HIV/AIDS. Bệnh lao chủ yếu ảnh hưởng đến phổi, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan trong hệ thống thần kinh trung ương, hệ bạch huyết, và hệ thống tuần hoàn.

Tìm hiểu chung về bệnh lao phổi

Nguyên nhân gây bệnh lao phổi: 

      Bệnh lao là do loại vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra được lây lan từ người này sang người khác. Bạn sẽ bị nhiễm bệnh lao nếu bạn hít phải không khí nhiễm khuẩn. Một số người có hệ thống miễn dịch tốt sẽ nhanh chóng tiêu diệt các vi khuẩn khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Những người khác sẽ phát triển bệnh lao âm ỉ và sẽ mang vi khuẩn trong người.
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân dẫn đến lao phổi

Các triệu chứng của bệnh lao phổi: 

      Hầu hết những người bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh lao thực sự không xuất hiện rõ các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, khi triệu chứng xuất hiện bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, khó thở, sốt , giảm cân, đổ mồ hôi đêm, ớn lạnh, và mất cảm giác ăn ngon miệng. Triệu chứng cụ thể của phổi bao gồm ho kéo dài khoảng 3 tuần hoặc hơn, ho ra máu, đau ngực, và đau khi thở hoặc ho.
Một số triệu chứng của bệnh lao phổi

Cách điều trị bệnh lao phổi:

     Điều trị lao phụ thuộc vào tình trạng bệnh của bạn như thế nào. Vì vậy nếu thấy có các dấu hiệu của bệnh bạn cần đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện để khám bênh và nhớ là hãy uống thuốc đều đặn theo đơn của bác sĩ. Rào cản lớn nhất để điều trị thành công là bệnh nhân có xu hướng ngừng uống thuốc của họ, vì họ bắt đầu cảm thấy tốt hơn. Điều quan trọng khi uống hết thuốc là để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn lao trong cơ thể. Vì vậy, hãy cố gắng uống thuốc đầy đủ, đúng giờ và thường xuyên.
     Phương pháp tốt hơn trong việc ngăn ngừa bệnh lao hay bệnh lao tái phát bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh mà sẽ chăm sóc hệ thống miễn dịch của bạn. Để ngăn chặn truyền bệnh cho người khác nếu bạn bị nhiễm, hãy ở nhà tránh ra ngoài nhiều, che miệng của bạn khi nói hoặc khi ra ngoài.
Trên đây là một số thông tin hữu ích mà chúng tôi cung cấp cho bạn đọc giúp các bạn có thể tìm hiểu về bệnh lao phổi được rõ ràng, cụ thể hơn. Hi vọng các bạn có thể hiểu thêm về căn bệnh dễ lây nhiễm này để phòng tránh kịp thời và đảm bảo sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình.